Chất lượng.

Sau vụ nước tương “đen” có chất 3-MCPD vượt chuẩn cho phép,gây bệnh ung thư không bao lâu, dư luận trong những ngày qua lại xôn xao về vụ bồn chứa nước Tân Á cũng có nguy cơ gây bệnh ung thư. Mọi chuyện bắt đầu từ việc trên một số tờ báo và trên các tờ rơi có thông tin bồn chứa nước Tân Á sử dụng loại thép không gỉ 202 có dư lượng mangan (Mn) gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. 
Tuy nhiên, đến thời điểm này, cácnhà khoa học, chuyên gia ở các cơ quan, từ Trung tâm Tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng III, Chi cục Tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng Bình Dương, đến Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TPHCM, Văn phòng Chương trình quốc gia về công nghệ và vật liệu (Bộ Công nghiệp), Bệnh viện Ung bướu… đều trả lời trên các cơ quan ngôn luận là chưa có cơ sở khoa học để kết luận loại thép 202 để sản xuất bồn nước của Tân Á, là có thể gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Còn tiêu chuẩn Việt Nam, do Bộ Khoa học-Công nghệ ban hành, thì chỉ quy định chung chung là dùng thép không gỉ, chứ không xác định là loại thép nào, để sản xuất các sản phẩm đựng hoặc chế biến thực phẩm, nước sinh hoạt, cụ thể như bồn nước. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, Italia và Hiệp hội Thép quốc tế ISSF thì dòng thép 200 (gồm 201, 202,203…) được phép sử dụng để sản xuất các sản phẩm vừa kể.

Sự việc diễn ra khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Riêng Công ty Tân Á,đã phải trả một giá quá đắt cho việc sử dụng thép 202 để sản xuất bồn nước, dù theo công ty cho biết chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, thay cho loại thép 304, không đúng theo tiêu chuẩn đã công bố, mà không đăng ký. Công ty không những bị thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi ngày mà còn bị tổn hại uy tín thương hiệu sau hàng chục năm gầy dựng.

Qua vụ bồn nước Tân Á, nhiều vấn đề đặt ra. Trước hết là vấn đề cung cấp thông tin và quảng bá thông tin có liên quan đến uy tín, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có thương hiệu, có thị trường.

Trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh gay gắt như hiện nay, mọi thông tin như vậy đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng, phải phát xuất từ cơ sở khoa học, từ các cơ quan kiểm nghiệm độc lập, đủ điều kiện. Nếu chỉ là những suy diễn chưa đủ căn cứ sẽ gây tác hại vô cùng to lớn. Đây có thể xem như hành vi tiếp tay hoặc thậm chí làm công cụ cho hoạt động cạnh tranh không lành mạnh.

Qua việc này, nhiều luật sư cho rằng nếu đưa ra những thông tin sai thẩm quyền hoặc đúng thẩm quyền nhưng sai lệch hay do cạnh tranh không lành mạnh, thì phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp, dù đó là cơ quan quản lý Nhà nước hay cơ quan thông tấn, báo chí. Các doanh nghiệp bị oan sai, bị thiệt hại và cả người tiêu dùng, trong trường hợp bị xâm phạm lợi ích, đều có quyền khiếu kiện.

Ngoài ra, để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, khi có những thông tin ban đầu về những sản phẩm gây thiệt hại cho cộng đồng, các cơ quan có trách nhiệm, các tổ chức về tiêu chuẩn, chất lượng và hội bảo vệ người tiêu dùng cần nhanh chóng vào cuộc để sớm có những thẩm định chính xác. Trong khi đó, dù vụ việc diễn ra hơn 1 tháng, nhưng cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức.

Riêng các doanh nghiệp, để tăng sức cạnh tranh, cần xác định tiêu chí hàng đầu là chất lượng và giá thành, chứ không phải là dùng lá bài “hội chứng ung thư”sau vụ nước tương “đen” để triệt hạ đối thủ. Hơn nữa, trong hội nhập toàn cầu,các doanh nghiệp còn phải thấm nhuần hơn nữa phương châm “buôn có bạn, bán có phường”, cùng ngành nghề cần hỗ trợ nhau để tăng sức cạnh tranh, cùng tồn tại và phát triển. Tất cả đòi hỏi phải có lương tâm và trách nhiệm